Chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc cho bạn
Đạt Lai Lạt Ma là danh hiệu của một nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng thuộc trường phái Cách lỗ. Vị Đạt Lai Lạt Ma hiện nay là vị thứ 14, sống lưu vong tại Ấn Độ từ 1959 đến nay, ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989, đồng thời là người đại diện Phật giáo hiện nay trên thế giới.
Bạn xem thêm:
- Bạn hãy bỏ thói quen phán xét người khác sau khi đọc xong bài này
Trong khi một phần không nhỏ của thế giới đang hoang mang trước sự thay đổi chính quyền ở nước Mỹ, khi từ ngày 20/1/2017, tỷ phú bất động sản Donald Trump chính thức là ông chủ Nhà Trắng, trả lời phỏng vấn trên CNN, Đạt Lai Lạt Ma cho biết ông sẽ lên kế hoạch gặp gỡ Tổng thống đắc cử.
Quan điểm của Đạt Lai Lạt Ma là, mỗi quốc gia không phải chỉ được lèo lái bởi một cá nhân cụ thể nào, dù tổng thống là một “cá nhân nắm vai trò quan trọng” đi nữa.
“Tôi xem Mỹ là đất nước đi đầu trong một thế giới tự do, đề cao dân chủ và lấy pháp luật làm nền tảng… Khi lên nắm quyền, tất cả các vị tổng thống đều phải làm việc dựa trên động lực mạnh mẽ là các dữ kiện thực tế. Do đó, không có gì đáng để lo lắng”, nhà sư Tây Tạng nói.
Trước thực trạng nhiều người Mỹ đang cảm thấy bất an về tương lai của đất nước dưới thời Tổng thống Trump, Đạt Lai Lạt Ma đã đưa ra một số lời khuyên giúp mỗi cá nhân dễ dàng có được cảm giác hạnh phúc dù cho thế giới xung quanh xoay vần thế nào đi nữa. CNN dẫn lời ông:
1. Từ bi với chính mình
Hãy nuôi dưỡng lòng từ bi, trước tiên là với chính bản thân mình, bởi cảm giác hạnh phúc vốn phần lớn bắt nguồn từ bên trong mỗi người. Nếu bạn cảm nhận mọi thứ một cách trung thực, chân thành, bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc bất chấp những gì đang diễn ra xung quanh.
Nói cách khác, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn nếu học hỏi nhiều hơn về bản thân và chấp nhận con người của chính mình cũng như những sai sót đã phạm phải.
Tương tự, khi có lòng từ bi với ai đó, bạn sẽ nhận ra nỗi đau của họ và quan tâm nhiều hơn đến họ.
2. Dành thời gian để suy nghĩ
Sẽ dễ cảm thấy từ bi hơn nếu bạn dành thời gian để suy nghĩ về những điều mình đang gặp phải (Đạt Lai Lạt Ma thức dậy lúc 3 giờ sáng mỗi ngày để hành thiền trong vòng 5 tiếng).
Chỉ 10 phút thiền định cũng có thể thúc đẩy quá trình suy nghĩ của bạn trở nên hiệu quả hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thiền định giúp thay đổi một số bộ phận của não, giúp bạn kiểm soát căng thẳng tốt hơn và làm tăng khả năng thấu cảm.
Thiền định lâu hơn, thậm chí chỉ trong khoảng 20 phút, cũng có thể giúp cải thiện tâm trạng, trí nhớ và khả năng tập trung.
Khi suy nghĩ sâu hơn, bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng, không có điều gì tồn tại giống như lúc nó xuất hiện. Hãy đặt cảm xúc của mình vào trong bối cảnh, khi đó, nền tảng của những cảm xúc tiêu cực sẽ trở nên mờ dần, mờ dần.
3. Kiểm soát sự giận dữ
Cảm giác giận dữ kéo dài không tốt cho sức khỏe của chúng ta. Duy trì lòng từ bi liên tục trong tâm trí và ở cạnh những người có lòng từ bi có thể giúp xoa dịu sự tức giận. Hãy áp dụng cách làm này để thấy rằng sức khỏe của bạn sẽ tốt hơn nhiều.
Khi cảm thấy tức giận về bất kỳ điều gì, đừng để nó chi phối suy nghĩ của bạn. Vì nhiều nghiên cứu cho thấy, cảm giác giận dữ kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, mất ngủ, ăn uống mất kiểm soát – tất cả đều là nguy cơ gây ra các vấn đề tim mạch, đột quỵ và tổn thọ.
4. Giúp đỡ người khác
Một trong những chiếc chìa khóa dẫn đến hạnh phúc là cố gắng giúp đỡ người khác. Khi đó, dù có chuyện gì xảy ra, bạn vẫn có thể duy trì sự tự tin và cảm giác hạnh phúc.
Sự giúp đỡ người khác có thể đến dưới hình thức tham gia các hoạt động thiện nguyện, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là trở thành một người biết lắng nghe khi người khác buồn bã, thất vọng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện luôn cảm thấy được kết nối xã hội nhiều hơn, ít cảm thấy cô đơn và ít bị trầm cảm hơn.
5. Hãy như một đứa trẻ
Trẻ con rất trung thực và dễ chấp nhận người khác mà không mảy may phán xét. Chúng không quan tâm đến vấn đề tôn giáo, quốc tịch, gia thế của một cá nhân nào.
Bản chất của con người là từ bi. Trong khi sự cạnh tranh và chủ nghĩa vật chất có thể khiến đức tính này của con người bị “ngủ đông”, thì sự vui vẻ, khôi hài có thể giúp nó “sống lại” (Đạt Lai Lạt Ma luôn tươi cười ngay cả khi ông đang nói về các chủ đề mang tính nghiêm trọng).
Trên thực tế, kết quả nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy, những người vui vẻ thường có nhiều mối quan hệ tích cực và cảm thấy hài lòng với cuộc sống hơn. Họ cũng có xu hướng khỏe mạnh hơn và ít lo âu hơn.