Liệu có ai ăn gian được cả đời?


Gieo nhân nào gặt quả lấy, vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Rồi bạn sẽ phải cay cú khi đối mặt với những thủ đoạn gian lận thậm chí còn tinh vi hơn mình. Hối hận khi ấy phải chăng đã là quá muộn màng. Chọn cách “lật lọng”, “bài đểu” hòng tiến tới, bạn nào đâu biết chẳng ai ăn gian được cả đời.

Hồi bé, tôi đã từng giấu giày múa của một bạn gái trong lớp chỉ vì ghen tị với việc bạn ấy được lên múa trong ngày khai giảng năm học mới, mà tôi thì không. Tôi đã nghĩ mình giỏi giang, đã nghĩ mình sẽ được chọn nếu như không có người bạn ấy. Nhưng tôi đã nhầm, ngay cả khi cô bạn ấy không thể tiếp tục mua như dự định, giải pháp cô giáo chọn cũng không phải là tôi mà là... mượn đôi giày của tôi và đưa cô bạn đi. May mắn hay xui xẻo, chúng tôi sử dụng chung cỡ. Tôi bị hẫng như thể nằm mơ bước hụt một bậc cầu thang phải choàng tỉnh giấc. Dường như mọi người biết tôi là thủ phạm, ai cũng nhìn tôi dè chừng, dù chẳng ai nói ra. Điều ấy mới thật đáng sợ!

Kì trước, tôi và đa số các bạn trong lớp đều phải nhận điểm thấp cho môn học Kế toán ngân hàng. Đây là một môn học khó. Bởi vậy ngoài việc đòi hỏi một bài kiểm tra giữa kì trên lớp, cô thông báo có thể sẽ đưa ra yêu cầu làm tiểu luận để giúp sinh viên “gỡ gạc” điểm. Thông tin về bài kiểm tra bổ sung này sẽ được cô gửi lên mail chung của lớp, mọi người cần check mail thường xuyên để cập nhật tin tức. Chúng tôi buồn bã và chán chường vô cùng khi không hề nhận được mail nào từ cô. Đồng nghĩa với việc chúng tôi phải bằng lòng với bảng điểm không được cao cho lắm. Buổi học cuối cùng, tới lớp, chúng tôi ngạc nhiên vô cùng khi một vài bạn trong lớp cầm trên tay những bài tiểu luận và nói rằng lát nữa sẽ nộp cho cô. Lân la một hồi, chúng tôi vỡ lẽ, cô giáo đã gửi mail từ vài ngày trước. Vậy mail đó ở đâu? Câu trả lời là nằm trong thùng rác của Gmail. Là ai đã xóa, là ai trong số hơn hai mươi gương mặt có bài để nộp kia? Tại sao họ lại “dìm” người khác một cách gián tiếp và... hèn nhát đến vậy? Việc cả lớp cùng làm theo yêu cầu của cô đâu ảnh hưởng tới quyền lợi của họ. Động cơ của trò ăn gian tập thể này là gì? Tôi chẳng rõ, chỉ biết sau lần ấy, tôi đã học được cách cẩn thận hơn trong việc đón nhận thông tin của các lớp học.


Lần khác, tôi đăng kí trở thành thành viên của một CLB trong trường. Nắm rõ thế mạnh của mình, tôi biết đó là nơi phù hợp với mình, để bộc lộ khả năng, để phát triển hơn nữa. Ngày nộp đơn, vì không xếp được lịch học, tôi phải nhờ cô bạn cùng lớp đi nộp hộ. Tôi hí hửng chờ đợi và rồi thất vọng không để đâu cho hết khi không tìm thấy tên mình trong danh sách những người lọt vào vòng phỏng vấn. Không nản chí, tôi tiếp tục đăng kí ở đợt hai, tự mình mang đơn lên văn phòng CLB nộp. Và tôi trúng tuyển, sau nhiều cố gắng. Khi đã thân với các anh chị trong ban, tôi hỏi về lý do trước đây mình không được chọn. Ai cũng ngạc nhiên vì chưa hề thấy tên tôi trong danh sách đăng kí. Họ ngạc nhiên một thì tôi bất ngờ mười. Tên cô bạn kia nằm hiên ngang đoạn giữa danh sách, còn hồ sơ của tôi lại nằm ở một xó xỉnh nào đó tôi chẳng hay. 
Đợt ấy, cô bạn cũng bị loại, do không phù hợp với những tiêu chí CLB đặt ra. Tôi không phỏng đoán bất kì điều gì, tôi mang thắc mắc ấy đi hỏi cô bạn kia. Cô bạn hồn nhiên nói rằng làm gì có chuyện “quên” nộp hồ sơ của tôi. Cô ấy chắc như đinh đóng cột về điều đó. Tôi trở về, thôi cũng qua rồi, coi như chẳng có. Từ sau hôm đó, tôi “được” mọi người đồn thổi rằng được vào CLB do có chân trong. Tin vịt ấy được phát ra bởi một người cực kì thân quen, người mà vài bữa trước tôi còn nói chuyện hết sức thân tình. Tôi luôn không hiểu cô bạn đã được gì khi nói ra những lời gian dối đó, tất cả?

Chừng giữa năm ngoái, tôi có đọc trên tờ tuần báo Sinh Viên Việt Nam một mẩu thông tin nhỏ nhưng đáng để giật mình. Trung tâm phát triển và hỗ trợ cộng đồng và tổ chức hướng tới minh bạch đã tiến hành một cuộc khảo sát, điều tra về sự liêm chính của những người trẻ Việt. Kết quả là hơn 1/3 số thanh niên tham gia khảo sát sẵn sàng vi phạm nguyên tắc liêm chính để có thể được nhận vào một ngôi trường hay một công ty tốt. Điều đáng nói là liệu rằng trong 2/3 còn lại ấy, ai là người trung thực, ai là người gian dối. Nói đơn giản, người ta có thể chơi gian, nhưng ít ai dám thừa nhận sự thật đó. Tôi rùng mình, cuộc đời “trắng đen lẫn lộn” đến vậy sao?


Sống là phải vươn lên. Chẳng ai muốn nằm im một chỗ trong khi người khác đang mạnh mẽ đón lấy tương lai của họ. Đôi khi, cố gắng và nỗ lực đòi hỏi quá nhiều thời gian và công sức dù có thể kết quả đạt được chẳng như mong đợi. Trong khi đó, gian lận với những trò tiểu xảo lại đem đến thành công rực rỡ. Người ta so đo tính toán và nghĩ gian lận vẫn hơn, âu cũng là chuyện thường tình. Nhưng nghĩ đi thì cũng nên nghĩ lại, chơi xấu nghĩa là ta đã không xứng đáng được nhận lời khen. Bạn chấp nhận “luồn cúi” để có thể ngồi lên vị trí bạn mong muốn, sẵn sàng hất đổ kẻ khác một cách nhẫn tâm và... nham hiểm để đạt được điều mình khát khao. Song, ai dám chắc năng lực không có thật của bạn ĐỦ vững vàng để duy trì chúng. 

Người ta có thể ăn gian một lần thuở nhỏ để có được vài chiếc kẹo bông thơm ngon, người ta có thể ăn gian một chút để chiếm được cảm tình của cô bạn lớp bên, ăn gian một chút để được yêu quý hơn những người còn lại... Rất nhiều “một chút”, nhiều đến nỗi khi bàng hoàng mở mắt, ta đã thấy mình trong lốt kẻ gian manh, thiếu trung thực từ lúc nào? Sống thành thật với nhau và kì vọng vào kết quả của những cố gắng của chính mình, đừng cố giẫm đạp lên người khác mong đứng vững. Charles H. Spurgeon từng nói “Đừng nhọc công để lại dấu ấn của mình trên đá hoa cương, để được nghìn năm gìn giữ, mà hãy làm điều đó trong con mắt của những người xung quanh”. Gieo nhân nào gặt quả lấy, vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Rồi bạn sẽ phải cay cú khi đối mặt với những thủ đoạn gian lận thậm chí còn tinh vi hơn mình. Hối hận khi ấy phải chăng đã là quá muộn màng. Chọn cách “lật lọng”, “bài đểu” hòng tiến tới, bạn nào đâu biết chẳng ai ăn gian được cả đời.

Được tạo bởi Blogger.