Mẹ, nggười phụ nữ không biết ngủ
Qua bao nhiêu khó khăn, nhọc nhằn, lo toan đời sống thường nhật cũng có lúc mẹ được bình yên (Ảnh minh họa)
Dáng mẹ cao gầy, làn da đen rám nắng, khuôn mặt xương cùng đôi tay nhăn nhúm gầy gò và nụ cười hằn lên những nỗi nhọc nhằn cũng đủ biết cuộc đời lam lũ, vất vả hiện lên trên tấm thân cò của mẹ.
Nhà tôi có ba chị em, hai gái, một trai. Khi mẹ sinh tôi chưa được một tuổi, bố bỏ gia đình theo người đàn bà khác. Cuộc sống của mẹ tôi ngày càng xuống dốc, người đàn bà đã khổ về vật chất nay lại thêm nỗi đau tinh thần. Bà ngoại tôi kể lại, mẹ tôi như người chết đi sống lại nhưng rồi cuối cùng mẹ cũng gắng sức, đứng lên nuôi ba chị em tôi khôn lớn thành người.
Tôi nhớ như in nơi gian nhà tranh, vách đất, mẹ sớm khuya tần tảo nuôi chị em tôi ăn học. Nhiều lúc nhà còn chẳng có cái ăn, mẹ kiếm từng bữa rau, bữa cua, bữa ốc để chúng tôi bớt đi cái đói ngự trị mỗi ngày. Mẹ tôi – người đàn bà dường như không biết ngủ. Bởi nếu mẹ ngủ, ai sẽ kiếm những đồng tiền trong quãng thời gian mẹ ngả lưng để nuôi lũ con của mẹ trưởng thành? Thế nên, ngủ đối với người ta là đồng hồ sinh học nhưng với mẹ lại là một giấc mơ xa xỉ.
Ngày nào cũng đều đặn như vắt chanh, mẹ dậy từ 2 giờ sáng chở những gánh hàng rau, dưa qua chợ Long Biên để kịp giao cho lái buôn. 6 giờ sáng, mẹ trở về nhà, tay cầm theo vài chiếc bánh rán cho lũ con thơ tranh nhau ăn đi học. Những chiếc bánh rán phải khó nhọc lắm mẹ mới mua được, những đứa con của mẹ ăn ngon lành mà không biết bao giọt mồ hôi đựng ở trong đó.
Mẹ lại tiếp tục công việc chạy bàn, rửa bát thuê cho một cửa hàng ăn uống ở ngoài thị trấn tới quá trưa mới về. Chiều đến, mẹ ra đồng hái rau, thu hoạch cà chua… để chuẩn bị cho phiên chợ sáng sớm. Sau bữa cơm tối, mấy chị em tôi quây quần bên mẹ để chọc cho mẹ cười, bó những mớ rau giúp mẹ cho tới tận khuya. Thương các con, mẹ chẳng bắt chúng tôi làm gì nặng nhọc bởi với mẹ, chỉ cần con cái mẹ không thất học, gắng thi đỗ là mẹ mừng.
Cuộc đời của mẹ cứ trôi đều đặn với những chuỗi ngày cực nhọc chỉ có vài tiếng đồng hồ nghỉ ngơi, còn lại mẹ dành lao động. Thương mẹ vất vả, chúng tôi chẳng biết làm gì, chỉ gắng học chăm, đỗ đại học rồi đi làm thêm giúp mẹ. Có những lúc, chị em tôi chỉ muốn bỏ học để đi làm phụ giúp mẹ. Thế nhưng, khi chúng tôi vừa mở lời đã bị mẹ mắng té tát, mẹ khóc, những giọt nước mắt vội vã, lăn dài, nấc lên từng tiếng nghẹn ngào: “Đời mẹ đã khổ, chúng mày không muốn mẹ sống nữa hay sao mà còn thích bỏ học”. Bốn mẹ con tôi ôm nhau khóc nức nở.
Công lao sinh thành, dưỡng dục cùng đức hi sinh lớn lao của mẹ thôi thúc chị em chúng tôi học hành chăm chỉ, trở thành những người con có ích đỡ đần mẹ sau này. Tôi và chị gái lần lượt đỗ vào sư phạm, còn anh trai của tôi cũng thi đỗ Học viện Kỹ thuật quân sự. Gương mặt mẹ chưa bao giờ tươi tắn, rạng ngời trên những nếp nhăn như vậy bởi các con mẹ đều trưởng thành, học hành chăm chỉ và làm thêm kiếm tiền giúp mẹ bớt đi gánh nặng chồng chất lên đôi vai ngày một già yếu. Mẹ có thêm thời gian để nghỉ ngơi vì chúng tôi không cho mẹ đi chợ sớm nữa.
“Sau cơn mưa, trời lại sáng”. Qua bao nhiêu khó khăn, nhọc nhằn, lo toan đời sống thường nhật cũng có lúc mẹ được bình yên, được ngủ một giấc thật say. Bao năm “thức khuya dậy sớm” lo cho lũ con thơ từ miếng cơm, manh áo cho tới công việc học hành, giờ đây mẹ đã già yếu đi nhiều. Chúng con chẳng thể làm được gì nhiều để giúp mẹ, chỉ biết cầu chúc cho mỗi mùa xuân sang mẹ thêm trẻ lại để chúng con có thể bù đắp được phần nào cuộc đời như tấm thân cò lặn lội ngày đêm không biết mệt mỏi của mẹ.
Bạn xem thêm: