Đàn ông, đàn bà và tiền bạc
Người xưa có câu: "Lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà, lấy đàn bà thử đàn ông", được hiểu là: phụ nữ dễ bị chinh phục vì tiền bạc, còn đàn ông thì có thể... chết vì sắc. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, điều này có còn đúng?
Điều gì hấp dẫn hơn?
Khi đặt câu hỏi "Bạn thích điều gì hơn: một căn phòng thật ấm cúng và lãng mạn chỉ có hai người hay một món quà thật giá trị?", kết quả: 66% phụ nữ muốn nhận quà tặng, trong khi đó 65% nam giới lại thích một đêm lãng mạn hơn.
Dựa vào khảo sát trên, các nhà tâm lý cho rằng, trong giai đoạn yêu đương, phụ nữ thích sự lãng mạn hơn đàn ông. Nhưng khi đã thành vợ chồng, nam giới lại cần một cuộc sống thiên về tinh thần, còn người vợ thường lo lắng về cuộc sống vật chất. Sự đối lập này cũng chính là nguyên nhân gây ra những xung đột gia đình.
Một đôi vợ chồng sống với nhau đã hơn 10 năm nhưng những "lục đục" về tiền bạc vẫn thường xuyên xảy ra. Người vợ hay than vãn: "Tính ông ấy hời hợt lắm, tiền bạc trong nhà chẳng bao giờ ông ấy biết có bao nhiêu. Tôi mà không chu đáo tính trước lo sau chắc là có hôm gạo hết cũng không biết. Thế mà ông ấy nào hiểu. Những lúc tôi bảo hết tiền là vợ chồng lại gây nhau...".
Nếu vào cái thời điểm chàng đang chinh phục nàng thì những món quà đắt giá sẽ góp phần làm cho cuộc chinh phục dễ thành công hơn. Nhưng một khi đã "đồng tịch đồng sàng" thì e rằng sự... ga-lăng ấy sẽ khiến các bà nghĩ khác.
Chỉ có 30% phụ nữ cảm thấy hạnh phúc khi nhận món quà đắt giá của chồng, 70% còn lại cho rằng điều đó làm cho họ có những nghi vấn về tiền bạc, chẳng hạn "Anh ấy lấy đâu ra tiền?", "Mua món quà đắt giá thế này để làm gì?", "Còn bao nhiêu thứ phải lo, thế mà..." v.v...
Có một nghịch lý xảy ra giữa các cặp vợ chồng: Họ thường than thở về một cuộc sống ngày càng mất đi sự lãng mạn nhưng chính họ lại ít khi tạo ra sự lãng mạn cho cuộc sống của mình.
Vợ đề nghị một bữa ăn tại nhà hàng vào hôm sinh nhật, chồng bảo sao không mua cái gì đó về nhà chế biến, vừa rẻ lại vừa nhiều, suốt ngày quán ăn, nhà hàng... ngán đến tận cổ! Chồng mua một bó hoa tặng vợ ngày 8 tháng 3, vợ bảo: "Ông để tiền ấy mua cho tôi cái bình đựng nước thì có lợi hơn không?"... Cứ thế, người này bảo người kia hãy thực tế một chút, và vô hình chung, họ đã giết chết cảm giác lãng mạn từng ngày, từng giờ...
Cái nào dễ chịu hơn?
Cuộc khảo sát với 200 cặp vợ chồng với câu hỏi: "Một hóa đơn 100 nghìn và 2 hóa đơn 60 nghìn - cái nào "dễ chịu" hơn?". Kết quả: các ông chồng luôn cảm thấy dễ chịu hơn khi bắt họ thanh toán một hóa đơn duy nhất dù có là bao nhiêu, còn những bà vợ thì thích... chia nhỏ hóa đơn ấy ra thành nhiều cái ít tiền hơn.
Điều này có thể được hiểu: tâm lý của đàn ông là sẵn sàng chi cái gì đáng chi, còn phụ nữ lại "ngại" mua những thứ đắt giá. Còn những cái ít tiền, vụn vặn, thậm chí chẳng có giá trị thì mua bao nhiêu cũng không đủ (?).
Hiểu được "tâm lý" đó của nhau nên các cặp vợ chồng thường có những lời nói dối... dễ thương, kiểu như: giảm giá 50% mỗi món đồ mà mình vừa mua, các ông sẽ vừa được khen biết mua đồ rẻ mà lại không bị cằn nhằn...
Ai bị áp lực bởi tiền bạc nhiều hơn?
Dường như áp lực được chia đều cho cả hai: vợ và chồng, nhưng có vẻ như không giống nhau về cách biểu hiện. Nếu kinh tế gia đình khó khăn, người chồng thường trở nên trầm lặng. Là bởi: Họ đau lòng vì không thể kiếm được nhiều tiền để lo cho vợ con; lòng tự trọng của một người đàn ông họ sợ ngẩng mặt nhìn đời và vì thế tìm cách lẩn tránh.
Với phụ nữ thì khác, họ muốn bày tỏ khó khăn đó với người thứ ba để được chia sẻ, thông cảm. Chính hai hướng biểu hiện đó đã khiến rất nhiều đôi hiểu sai về nhau. Vợ cho rằng chồng suốt ngày ù lì, không quan tâm đến cuộc sống gia đình trong khi chồng thì lòng tự trọng bị tổn thương thêm một lần nữa khi không tìm được sự đồng cảm của vợ, đã thế lại còn bị "bêu rếu" với người ngoài làm mất mặt... Lún sâu vào sự hiểu lầm này, nhiều cuộc hôn nhân đã tan vỡ.
Chúng ta đến với hôn nhân vì tình yêu thì chúng ta cần phải ra sức giữ gìn tình yêu ấy, đừng để những mâu thuẫn xuất phát từ một chuyện rất "đời thường" làm mất đi hạnh phúc vợ chồng. Cần lắm một sự thống nhất về việc quản lý, sử dụng đồng tiền trong gia đình ngay từ... trước khi kết hôn.
Có thể nhiều người sẽ ngại khi đụng chạm đến vấn đề tế nhị này vào thời điểm ấy. Nhưng, hãy nghĩ rằng hạnh phúc của cuộc hôn nhân sẽ phụ thuộc một phần rất lớn vào việc hiểu được quan niệm của "đối tác" về vấn đề tiền bạc, do vậy nên mạnh dạn và thẳng thắn thì hơn.
Bạn xem thêm: