Giá trị di sản Hồ Xuân Hương



Hội thảo quốc tế Hồ Xuân Hương, danh nhân văn hóa và giá trị di sản được tổ chức tại Nghệ An ngày 3.12 đã từng bước giải mã những bí ẩn về thi ca và cuộc đời của nữ sĩ vừa được UNESCO vinh danh.

Tầm vóc một thi hào

Hơn 200 năm qua, Hồ Xuân Hương được biết đến là một tài năng văn học gắn với nhiều bí ẩn thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Các tác phẩm của “bà chúa thơ Nôm” đã được giới nghiên cứu nhiều nước công nhận và dịch sang 12 thứ tiếng.

Ngày 23.11.2021, UNESCO ra nghị quyết thống nhất vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm năm sinh của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Đến nay, trong 6 nhân tài đất Việt được UNESCO vinh danh (Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu), duy nhất có Hồ Xuân Hương là nữ.


Theo PGS-TS Biện Minh Điền (Trường ĐH Vinh), đã có rất nhiều người tìm kiếm, giải mã Hồ Xuân Hương và càng tìm lại càng... muốn tìm tiếp, bởi Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa đặc biệt, mang tầm vóc một thi hào. Tiếng Việt, đặc biệt qua thơ Hồ Xuân Hương, là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật đa nghĩa, nhiều hàm ý, quá sắc sảo, độc đáo và tài hoa, đầy thách thức đối với các văn nhân đương đại khi chuyển ngữ, dịch thơ bà sang tiếng nước mình. Cũng theo PGS Biện Minh Điền, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, một số học giả người Nga khi dịch, biên soạn và chú giải thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Nga đã nhận thấy Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa.

Đánh giá về Hồ Xuân Hương, GS John Balaban (Đại học North Carolina State, Mỹ) nhận định: “Bà viết về cả những điều mà các nhà thơ khác không dám làm. Thơ Hồ Xuân Hương độc đáo, hiếm có, mang đậm bản sắc VN, có sức lan truyền rộng rãi trên thế giới. Bà là một nhà thơ đẳng cấp thế giới. Thơ của bà có thể làm lay động chúng ta ngày hôm nay cũng như đã làm lay động người Việt hơn 200 năm trước đây”.

Hồ Xuân Hương là người cùng thời đại chúng ta. Nữ sĩ là người tân tiến và cuộc đấu tranh của bà cũng là của chúng ta.

Nhà thơ Jean Ristat (Pháp)

Tương tự, nhà văn Lady Borton, Trưởng đại diện Ủy ban Những người bạn Mỹ ở VN, đánh giá Hồ Xuân Hương là một hiện tượng khác thường nhưng bà không đơn độc. Bà là một bậc thầy thông thạo cả chữ Hán lẫn chữ Nôm.

Năm 1964, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại phát hiện tập thơ chép tay có tên là Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương, gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm, lời tựa do Tốn Phong viết, được TS Hồ Bất Khuất (Trường ĐH Vinh) đánh giá “là một sự kiện gây chấn động tích cực”. Tiến sĩ Hồ Bất Khuất nhận định: “Có thể nói, Tốn Phong là người đầu tiên giới thiệu về thơ Hồ Xuân Hương. Bản gốc Lưu hương ký quý hơn vàng. Nó khẳng định nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã sống, đã yêu, đã cho ra đời những tuyệt phẩm văn chương”.

Cũng theo TS Hồ Bất Khuất, người giữ bản gốc Lưu hương ký lâu nhất là ông Đào Thái Tôn (khoảng 40 năm trước khi trao lại cho thư viện). Ông nghiên cứu kỹ và làm luận án tiến sĩ với đề tài nghiên cứu văn bản Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương, bảo vệ thành công vào tháng 7.1992.
(Nguồn https://thanhnien.vn/gia-tri-di-san-ho-xuan-huong-post1528241.html)
Được tạo bởi Blogger.