Khi người lớn cô đơn


Khi người ta còn trẻ, người ta có thể đối diện với cô đơn 1 cách tích cực nhất. Dù tâm hồn đang rất nặng nề thì cuộc sống vẫn diễn ra, dù có nằm lì trên giường cũng không hết cô đơn được.

Cũng lâu lâu rồi, không có ca khúc nào chạm vào cõi lòng đủ để tôi phải viết bất cứ điều gì. Hôm nay thì có. Hôm nay anh gửi cho tôi MV bài Khi người lớn cô đơn. Nghe qua tựa đề, e sợ rằng nó nhảm. Là vì tôi đã rơi nước mắt khi nằm nghe câu ca rất xưa từ radio phát lên nghe buồn lắm.

Ngày xưa, tôi rất thích nghe radio. Sau đó là đến CD. Những năm lớp 7, lớp 8, những buổi tối thứ 4, thứ 7, sáng sớm Chủ Nhật đều mở radio để nghe Làn Sóng Xanh và Quà Tặng Âm Nhạc. Ngày xưa, trong căn gác sàn gỗ của 2 chị em, có 1 chiếc cassette nghe được cả dĩa CD. Thế là thỉnh thoảng lại tha lôi về những CD của Lobo, The Beatles, BSB, Đan Trường, Minh Thuận, Thanh Lam, Làn Sóng Xanh các kỳ...

Không biết có phải vì ngày xưa nhà nghèo hay không, từ khi bắt đầu có nhận thức về cái gọi là tính cách và sở thích, tôi đã thích những thứ nhuốm đầy màu thời gian. Tôi yêu căn phòng lót gỗ đó, chiếc bàn học bằng gỗ bố đóng cho 2 chị em từ năm lớp 1 có mặt bàn đóng lên mở xuống được, chiếc tủ quần áo 5 ngăn bằng gỗ ngày xưa bà Nội để lại trước khi sang Mỹ mà cả nhà vẫn gọi là tủ Nội, cửa sổ mở ra trước bàn học với khung sắt gỉ sét và 3 cánh cửa gỗ màu xanh nước biển bạc thếch...

Năm 12 tuổi, chị tôi, hơn tôi 10 tuổi, nói với tôi rằng em không thể tránh được sự cô đơn. Cô đơn là điều hiển nhiên và nó sẽ đi theo em suốt cuộc đời. Đến khi tôi bằng tuổi chị lúc đó, tôi vẫn không hiểu được sự thật hiển nhiên đó. Tôi vẫn bật khóc mỗi khi cảm thấy sao mình quá cô đơn. Tôi vẫn không hiểu được, vì sao thành phố đông người như thế mà tôi vẫn lạc lõng nhường này.

Năm 12 tuổi, mỗi buổi tối, tôi thích mở nhạc, tắt đèn và nằm xuống chiếc nệm đặt dưới đất. Trùm mền và lắng nghe. Lắng nghe cảm giác 1 mình, chỉ có tiếng nhạc và tiếng quạt quay trong đêm yên tĩnh.

Năm 18 tuổi, rời khỏi ghế nhà trường, tôi được tự quyết định con đường mình sẽ đi sau này. Lẽ ra, tôi phải tự hào và trưởng thành hơn khi được tự quyết định cuộc đời mình. Ngược lại, tôi cảm thấy rất cô đơn. Thật ra, 18 tuổi, tôi vẫn còn rất bé, mà cuộc đời thì quá già.

18 tuổi, tôi bắt đầu nghe nhạc Trịnh, uống café và ghiền ngửi mùi thuốc lá. Nhạc Trịnh đi theo tôi suốt quãng thời gian mày mò, tìm kiếm cuộc đời và tự làm mình cô đơn. Từ nhạc Trịnh sang tới Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đặng Thế Phong,... Có 1 buổi chiều mưa, 1 người con trai đã dầm mưa đứng trước cửa nhà chỉ để được nhìn thấy tôi và chắc rằng tôi không sao. Chỉ vì buổi chiều đó tôi đã nhắn tin bảo rằng em đang bị sốt. Buổi chiều đó đã bị mưa cuốn trôi đi rất lâu và rất xa rồi. Chỉ có điều, từ người đó mà tôi biết nghe nhạc Trịnh.

Khi ở trong 1 cuộc tình, tôi chỉ biết 1 người đó mà thôi, dường như đã đánh mất thói quen và thời gian chỉ để nghĩ đến người đó. Và khi đã buông tay, thì trở thành người xa lạ. Rất nhiều những buổi chiều, khi lang thang quanh khu Nhà Thờ và Alexandre de Rhodes, tôi tự hỏi, thật ra cuộc sống vẫn thế thôi cớ sao chỉ vì vắng đi 1 con người ở bên cạnh lại trở nên cô đơn đến vậy.

Tại sao khi chia tay rồi, thì vĩnh viễn không thể gặp lại nhau nữa? Thật chất là sau khi chia tay, chẳng thể làm sao và đi đâu để gặp lại con người từng rất gắn bó như vậy. Thành phố nhỏ bé là thế, lại không thể có chuyện cùng nhau bước lên 1 chuyến xe bus hay là vô tình gặp nhau ở 1 hội chợ 2 năm họp 1 lần. Con người ta chỉ gặp nhau khi họ muốn mà thôi.


Làm gì có tuổi trẻ nào không cô đơn. Những người rỗi rãi cô đơn. Những kẻ bận rộn cô đơn gấp bội. Những kẻ khôn ngoan cô đơn. Những kẻ ngốc dại cũng cô đơn. Có điều, chúng ta mỗi người có cách riêng để đối diện với sự cô đơn đó. Nhìn nó như 1 sự hiển nhiên đi, là vì tôi hôm nay cô đơn giữa đường phố thân thuộc. Là vì tôi, hôm nay buồn lắm.

Tôi vẫn cho rằng, người ở gần giữ đã khó, người đi xa rồi chắc gì đã còn nghĩ đến mình. Căn bản tôi là 1 đứa dễ xa mặt cách lòng. Cứ cho rằng tự tình cảm trong tôi chưa từng sâu đậm. Những năm tháng của tuổi dậy thì, tôi có những người bạn đã cùng tôi khóc, cùng tôi cười, cùng tôi trải qua rất nhiều chuyện, những tưởng rằng suốt đời sẽ là bạn. Nhưng tôi nhận ra rằng, khi 1 trong 2 người phải trải qua những chuyện mà người kia ko cùng trải qua được và không cùng chia sẻ, dần dần khi thời gian qua đi, 2 tâm hồn không thể đồng điệu được nữa.

Tôi không phải là đứa dễ chia sẻ và bộc lộ với bất kỳ ai. Khi không gặp được người tri kỷ, tôi giữ mọi thứ cho riêng mình. Những người bạn tự tôi đã rời xa, đôi lúc tôi rất nhớ. Nhưng thật ra vẫn chỉ đến thế mà thôi. Đã quá xa và quá lâu để tôi có thể phơi bày lòng mình ra như thời 18 tuổi. Và đối với tôi, 1 là rất thân có thể nói ra mọi chuyện, 2 là không can dự gì đến cuộc đời nhau. Cho nên tôi rất ít bạn. Tôi, cần nhiều hơn là 1 lời hỏi thăm.

Tình cảm trong lòng tôi là của tôi. Tôi cảm thấy muốn gìn giữ mối quan hệ với người nào đó, tôi nhất quyết không làm tổn thương họ.

Thật ra là sa đà quá.

Thật ra là tôi chỉ hơi nhớ những tháng ngày lớn lên của mình. Những tháng ngày mà nõi cô đơn nhiều hơn cả niềm vui hay nỗi buồn. Nhũng tháng ngày mà tôi rất thường hay cảm thấy muốn đi xa, đến 1 nơi mình không biết ai và không ai biết mình. Những tháng ngày dù là thức trắng đêm làm đồ án hay là thức trắng đêm uống bia tôi không cảm thấy khác biệt. Những tháng ngày mà tôi làm gì cũng đặt tình cảm vào đó. Những tháng ngày sống quá cảm tính. Những tháng ngày tự vác máy đi chụp cái này cái nọ về tự rửa ảnh ra tự treo lên và tự thấy sướng, đó là tuổi trẻ. Những tháng ngày sống vô lo và ích kỷ. Đã qua hết rồi.

Những người trẻ, họ giỏi, họ tự lập, họ dịch chuyển và họ khôn ngoan. Họ không tránh khỏi cô đơn. Khi họ càng trẻ, họ càng có nhiều cách để sống chung với nỗi cô đơn của mình.

***

Một buổi sáng thức dậy, nếu bỗng dưng cảm thấy cô đơn kinh khủng. Chỉ cần tắm mát, sau đó diện 1 bộ đồ thật đẹp, đi 1 mình ra quán cóc quen ngồi đọc 1 tờ nhật trình. Có thể uống cafe, có thể uống sữa, không quan trọng. Nhìn người qua kẻ lại. Mua 1 tờ vé số và bắt chuyện với người bán vé số ấy, nói gì thì cũng không quan trọng lắm. Sau đó tấp vào 1 rạp chiếu phim, mua 1 vé suất buổi sáng và vào xem 1 mình. Rạp buổi sáng có thể vắng có thể đông, phim có thể hay có thể dở, và bạn có thể cười có thể khóc. Không quan trọng.

Khi người ta còn trẻ, người ta có thể đối diện với cô đơn 1 cách tích cực nhất. Dù tâm hồn đang rất nặng nề thì cuộc sống vẫn diễn ra, dù có nằm lì trên giường cũng không hết cô đơn được.

Và những gì vừa được nêu ở trên chỉ là lý thuyết. Khi con người ta cảm thấy cô đơn, dù là đang đọc sách hay đang đá banh cũng không khác nhau cho lắm.

Tôi nghĩ vậy.


Được tạo bởi Blogger.